Những tham vọng đằng sau cuộc chạy đua robot AI

0
315

Những tham vọng đằng sau cuộc chạy đua robot AI

Lê Linh

(TBVTSG) – Trung Quốc đang đầu tư mạnh mẽ cho robot được trang bị công nghệ trí thông minh nhân tạo (Artificial Intelligence – AI) với tham vọng dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực này. Quốc gia đông dân nhất thế giới này kỳ vọng robot AI sẽ giúp giải bài toán thiếu nhân lực trầm trọng trong nhiều ngành nghề.

Khi bác sĩ Fang Jin dự một cuộc thi chẩn đoán ung thư não tại Bắc Kinh hồi cuối tháng 6 vừa qua, ông quyết tâm thắng cuộc để giành giải thưởng trị giá 160.000 đô la Mỹ. Song có hai vấn đề mà ông phải vượt qua. Thứ nhất, các câu hỏi cực kỳ hóc búa và thứ hai, ông và các bác sĩ khác phải đối đầu với một robot AI có tên gọi Biomind. Sau khi bước vào cuộc thi, đến câu hỏi số hai, ông từ bỏ tham vọng thắng cuộc. Ông nói: “Mục tiêu của tôi là đừng để thua điểm quá nhiều”.

Các bác sĩ dày dạn kinh nghiệm dự cuộc khi chẩn đoán khối u qua hình ảnh não đã “thua trắng” 2-0 trong một cuộc thi diễn ra ở Bắc Kinh vào cuối tháng 6.

Robot AI chẩn đoán ung thư

Biomind được phát triển bởi một công ty liên doanh giữa công ty công nghệ Hanalytics (Singapore) và bệnh viện Thiên Đàn Bắc Kinh danh tiếng của Trung Quốc. Kể từ tháng 12-2017, khi liên doanh này được thành lập, hàng chục ngàn hình ảnh não được thu thập trong một thập kỷ đã được sử dụng để huấn luyện Biomind về công việc của nó. Sau nhiều tháng được huấn luyện theo công nghệ học sâu (Deep Learning), Biomind đã sẵn sàng cho cuộc thi đối đầu với 25 bác sĩ dày dặn kinh nghiệm tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Trung Quốc ở Bắc Kinh, nhằm chứng tỏ năng lực phân tích hình ảnh não.

Trước khi bước vào cuộc thi, bác sĩ Wang Chongqing, 54 tuổi, một người thi đấu khác, nói rằng ông không nghĩ các robot AI có thể thay thế bác sĩ nhưng ghi nhận chúng có thể hỗ trợ thực hiện một số nhiệm vụ. Ông nói: “Tôi cho rằng con người và máy móc có năng lực tốt ở những khía cạnh khác nhau. Hai bên có thể bổ sung cho nhau. Tôi cho rằng con người vẫn giỏi hơn khi chẩn đoán bệnh tình theo cách tổng thể hơn, chẳng hạn như xem xét thêm các khía cạnh giới tính, tuổi tác, tiền sử bệnh tật, giúp họ chẩn đoán bệnh tốt hơn. Máy móc chưa có khả năng này”.

Trong vòng thi đấu thứ nhất, Biomind và 15 bác sĩ được hỏi 15 câu hỏi và có 30 phút để phân tích các hình ảnh não rồi đưa ra các câu trả lời cho từng hình ảnh khối u não trong đó có một số khối u cực kỳ hiếm. Trong vòng đấu thứ hai, hơn 10 bác sĩ đấu với Biomind về các hình ảnh tụ máu não liên quan đến đột quỵ. Biomind, một khối máy đen xì trong giống như cái hộp được đặt trên bàn với một nhóm chuyên gia vây quanh để giám sát. Trong vòng 15 phút, ánh sáng trắng lóe lên từ khối máy báo hiệu Biomind đã hoàn thành xong bài thi, trong khi đó, các bác sĩ vẫn đang vắt óc suy nghĩ. Khi người dẫn chương trình thông báo cuộc thi, mọi người hết sức bất ngờ khi Biomind đánh bại các bác sĩ trong cả hai vòng thi. Trong vòng thi thứ nhất, Biomind trả lời đúng 87% số câu hỏi so với mức trung bình 66% của các bác sĩ. Ở vòng thi thứ hai, Biomind thắng với tỷ số trả lời đúng 83% so với con số 63% của các bác sĩ.

Theo Raymond Moh, Giám đốc điều hành của văn phòng Hanalytics ở Bắc Kinh, Biomind chẩn đoán bệnh với độ chính xác 90% và không hề biết mệt mỏi. Ông Moh nói các robot Biomind sẽ được gửi đến các vùng sâu vùng xa ở Trung Quốc nơi còn thiếu thốn trầm trọng các bác sĩ giỏi. Biomind cũng có thể huấn luyện các bác sĩ thiếu kinh nghiệm bằng cách nhắc nhở họ những triệu chứng bệnh mà họ có thể bỏ qua.

Các chương trình AI đang được vận hành ở hơn 130 bệnh viện ở Trung Quốc. Một báo cáo của hãng tư vấn Frost & Sullivan dự báo doanh thu toàn cầu từ các hoạt động y tế liên quan đến AI sẽ tăng lên 6,7 tỉ đô la Mỹ vào năm 2021 so với con số 811 triệu đô la vào năm 2015. Báo cáo lưu ý các công ty công nghệ Trung Quốc đang đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực này. Chẳng hạn, tại tỉnh Chiết Giang, Alibaba đang hợp tác với một bệnh viện để sử dụng các công cụ chẩn đoán với sự hỗ trợ của AI, giúp phân tích các hình ảnh chụp CT và MRI.

Robot AI vào trường mầm non

“Chào mọi người buổi sáng! Tôi là Keeko, rất vui được gặp các bạn”, robot Keeko tự giới thiệu bản thân trước khi đặt ra một câu hỏi: “Tại sao có bốn thùng rác có màu sắc khác nhau trong trường mẫu giáo của chúng ta?”

Keeko, một robot AI mang hình dáng con người cao 45 cm và cân nặng 4,5 kg, đã trở thành nhân sự mới nhất của trường mẫu giáo Xingquo ở thành phố Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến của Trung Quốc. Với sự hỗ trợ của Keeko, nữ giáo viên Yang Huizhen đã dạy các em bé về cách phân loại rác. Trước khi lớp học bắt đầu, cô đã mất vài ngày để thu thập thông tin và tải vào “bộ não” của Keeko. “Tôi từng nghĩ rằng robot AI sẽ cướp mất việc làm của giáo viên nhưng điều lo ngại của tôi hóa ra không đúng. Các robot AI hoạt động giống như các trợ giảng và lũ trẻ rất tò mò về chúng”, Yang Huizhen nói. Keeko được lập trình để tương tác với trẻ dưới 7 tuổi và có thể chơi trò chơi điện tử (game), hát, nhảy, đọc truyện cũng như trò chuyện, thậm chí làm các phép tính.

Tại Trung Quốc, robot không chỉ được sử trong các nhà máy hay các công ty kho vận. Giờ đây, chúng được nhiều trường mẫu giáo “tuyển dụng” để hỗ trợ trong các lớp học. Tại trường mẫu giáo He & She Angel ở thành phố Trùng Khánh, một robot thường xuyên nhắc nhở trẻ các thói quen tốt bằng những câu đại loại như: “Chúng ta phải rửa tay trước khi ăn điểm tâm” hoặc “Khi thời tiết nóng nực, đừng quên uống thêm nước”. Nữ giáo viên Peng Liangjieo cho biết: “Với giọng nói và dáng vẻ đáng yêu, robot này dễ dàng được bọn trẻ đón nhận. Khối lượng công việc của chúng tôi cũng được giảm đi nhiều”.

Cho đến nay, robot do công ty công nghệ Keeko Robot ở thành phố Hạ Môn phát triển, đã được sử dụng ở 672 trường mẫu giáo khắp trên cả nước Trung Quốc.

Zheng Qinhua, giáo sư về lĩnh vực giáo dục ở Trường Đại học Sư phạm Bắc Kinh, nói rằng ông thấy mừng trước xu hướng đưa robot AI vào các lớp học. “Sử dụng các công nghệ như nhận dạng hình ảnh và giao tiếp ngôn ngữ, các robot AI có thể ghi nhận và phân tích chính sách thái độ của trẻ, tương tác và bầu bạn với chúng”, ông nói. Ông tin rằng robot AI ở một mức độ nào đó là một trong những giải pháp cho vấn đề thiếu giáo viên chất lượng cao hiện nay.

Một cuộc nghiên cứu của Trung tâm chính sách giáo dục của Trường Đại học Tây Nam ở thành phố Trùng Khánh cho biết số lượng giáo viên mẫu giáo và nhân viên chăm sóc trẻ ở Trung Quốc thiếu hụt có thể vượt ba triệu người vào năm 2021 do số trẻ em ngày càng tăng vì Trung Quốc đã xóa bỏ chính sách một con. Zheng Qinhua cũng lưu ý công việc dạy học đòi hỏi người dạy có sự yêu thương, kiên nhẫn và ân cần nhưng các robot AI chưa thể mang lại cho trẻ em những điều này. Song, ông tin rằng trong tương lai robot AI có thể bầu bạn và giúp trẻ em phát triển.

Trẻ em trò chuyện với robot Keeko tại một trường mẫu giáo ở Trung Quốc.

Hỗ trợ hoạch định chính sách ngoại giao

Robot AI xuất hiện khắp mọi lĩnh vực ở Trung Quốc. Ngành tòa án ở Trung Quốc đang bắt đầu sử dụng robot. Năm ngoái, robot có tên gọi Xiaofa cao 1,46 mét đã được triển khai ở tòa án trung cấp nhân dân số 1 Bắc Kinh. Nó có thể giải đáp 40.000 câu hỏi về kiện tụng và 30.000 vấn đề pháp lý.

Thậm chí, robot AI đang len lỏi vào lĩnh vực phân tích chính sách ngoại giao. Một hệ thống AI, do Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc phát triển, đang được sử dụng tại Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Vào tháng 6 vừa qua, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc xác nhận với tờ South China Morning Post rằng bộ này có kế hoạch sử dụng

AI để nâng cao hiệu quả trong công việc.

Tham vọng trở thành cường quốc dẫn đầu thế giới đã làm gia tăng gánh nặng và sự thách thức cho các nhà ngoại giao Trung Quốc. Các nhà nghiên cứu cho biết robot AI sẽ đóng vai trò như một hệ thống hỗ trợ trong quy trình ra quyết định chiến lược trong lĩnh vực ngoại giao. Hệ thống này sẽ nghiên cứu chiến lược về chính trị quốc tế bằng cách phân tích một khối lượng dữ liệu khổng lồ chứa các thông tin đa dạng từ những câu chuyện bên bàn tiệc ngoại giao cho đến nhưng hình ảnh từ vệ tinh do thám.

Khi một nhà hoạch định chính sách cần ra một quyết định nhanh chóng và chính xác để đạt được một mục tiêu cụ thể trong một tình huống khẩn cấp, phức tạp, hệ thống này có thể cung cấp một loạt phương án tối ưu để lựa chọn chỉ trong nháy mắt. Tiến sĩ Feng Shuai ở Viện Nghiên cứu quốc tế Thượng Hải cho biết công nghệ về hệ thống hoạch định chính sách dựa trên AI đang thu hút sự quan tâm lớn dù chỉ mới phát triển ở các giai đoạn ban đầu.

Ông cho biết nhiều nhóm nghiên cứu ở Trung Quốc đang phát triển các hệ thống này. Ông nói: “Các hệ thống trí tuệ nhân tạo có thể sử dụng sức mạnh công nghệ khoa học và công nghệ để đọc và phân tích dữ liệu theo cách mà con người không thể sánh kịp”.

Tham vọng dẫn đầu thế giới

Các câu chuyện nói trên cho thấy Trung Quốc đã có những bước tiến mạnh mẽ trong việc ứng dụng AI vào lĩnh vực robot. Năm ngoái, Chính phủ Trung Quốc công bố Kế hoạch phát triển AI thế hệ mới nhắm đến mục tiêu tạo ra một ngành công nghiệp AI trị giá 150 tỉ đô la ở nước này vào năm 2030.

Trung Quốc xem công nghệ AI là yếu tố then chốt cho kế hoạch phát triển đất nước và cải thiện đời sống người dân. Nhiều thành phố trên khắp Trung Quốc bắt đầu phát triển và công bố các kế hoạch và chính sách dành cho AI bao gồm Bắc Kinh, Thượng Hải, Hàng Châu, Thiên Tân. Đáng chú ý, vào tháng 1 năm nay, chính quyền Bắc Kinh thông báo kế hoạch xây dựng công viên phát triển AI với vốn đầu tư hơn 2 tỉ đô trong năm năm tới. Công viên này dự kiến sẽ quy tụ 400 công ty công nghệ nghiên cứu về AI. Đến tháng 5, chính quyền thành phố Thiên

Tân thông báo thành lập quỹ trị giá 100 tỉ nhân dân tệ (gần 15 tỉ đô la) để thúc đẩy phát triển các công nghệ AI. Tân Hoa Xã cho biết Thiên Tân sẽ sử dụng quỹ này để hỗ trợ các dự án AI khác nhau bao gồm robot và phần cứng Al.

Giáo sư Toby Walsh, một chuyên gia hàng đầu về AI ở Trường Đại học New South Wales (Úc), nói: “Trung Quốc đã tuyên bố tham vọng vươn lên đứng ngang hàng với Mỹ về năng lực AI vào năm 2020 và trở thành cường quốc số một về AI vào năm 2030”. Ông cho rằng trên một số phương diện, các công ty công nghệ Trung Quốc đã vượt lên các đối thủ nước ngoài về năng lực AI. Chẳng hạn, nếu xét về số lượng công trình nghiên cứu và các bản quyền về AI thì Trung Quốc đã thực sự vượt Mỹ nhưng nếu xét về chất lượng và thành tích của các ứng dụng Al thì Mỹ vẫn nhỉnh hơn Trung Quốc.

Theo (Theo Los Angeles Times, Xinhua, SCMP)

Nguồn: thesaigontimes.vn

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.