Ngành điện: tiến thoái lưỡng nan
Đức Hoàng – Văn Nam
(TBKTSG) – Nỗi lo bị cắt điện luân phiên mỗi khi mùa khô đến tưởng như đã lùi vào dĩ vãng, nhưng nay nó đã manh nha quay trở lại ám ảnh nền kinh tế Việt Nam do nhiều tỉnh, thành phố không muốn xây các nhà máy điện có nhiều rủi ro về môi trường tại địa phương mình.
Tư vấn muốn Long An đầu tư điện than: Lý lẽ có thuyết phục?
![]() |
Việt Nam có thể phải đối mặt với khả năng bị thiếu điện trong 5-7 năm tới. Ảnh: Thành Hoa |
Sợ nhiệt điện than
Lần đầu tiên sau sáu năm Bộ Công Thương lại phải lên tiếng cảnh báo về nguy cơ thiếu điện. Ngày 11-7 vừa qua, trong cuộc họp của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng với Bộ Công Thương, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng, cho biết Việt Nam có thể phải đối mặt với khả năng bị thiếu điện trong 5-7 năm tới. Trở ngại lớn nhất cho việc đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện, đối với Bộ Công Thương, không phải kinh phí, mà là vấn đề môi trường. Ông Vượng nói: “Đi đâu cũng nói không được làm nhà máy điện than, thủy điện gây ngập lụt không nên phát triển nữa trong khi năng lượng tái tạo chi phí cao chưa thể phát triển nhanh… Để xin được địa điểm xây dựng nhiệt điện than rất khó, hầu hết các địa phương nói không với nhiệt điện”.
Hiện nay Việt Nam có 22 nhà máy nhiệt điện chạy bằng than với tổng công suất thiết kế hơn 13.000 MW. Theo Quy hoạch điện 7, đến năm 2020 tổng công suất nhiệt điện than phải tăng gấp đôi và đến năm 2030 là 55.300 MW, gấp 4 lần so với hiện nay. Có thể nói, việc không hoàn thành mục tiêu phát triển nguồn nhiệt điện than cho năm 2020 đến nay đã là điều hiển nhiên. Và với đà này thì khả năng rất cao là mục tiêu đến năm 2030 cũng không thể hoàn thành. Trong khi đó, đến nay Bộ Công Thương vẫn loay hoay, chưa tìm ra được giải pháp nào khả thi để vừa bảo đảm nguồn cung ứng điện cho nhu cầu của nền kinh tế, vừa không phải phát triển quá mức những nguồn phát điện có nhiều rủi ro về môi trường.
Tâm lý “chống” nhiệt điện than của các địa phương là điều hoàn toàn có thể hiểu được. Bởi chỉ với hơn 13.000 MW công suất, các nhà máy điện than đã tiêu thụ 45 triệu tấn than và thải ra môi trường gần 17 triệu tấn tro, xỉ, thạch cao mỗi năm. Thử tưởng tượng, nếu công suất điện than tăng lên gấp đôi, rồi gấp 4 so với hiện nay, lượng tro xỉ thải ra hàng năm sẽ lớn đến chừng nào. Các chuyên gia ước tính, để xử lý hết lượng chất thải rắn từ các nhà máy điện than đến năm 2030 Việt Nam cần có 28.000 héc ta đất để làm bãi chứa.
Năng lượng tái tạo chưa thoát khỏi ngõ cụt
Không riêng gì Việt Nam, thế giới cũng đang trong xu hướng từ bỏ nhiệt điện than để chuyển hướng sang các dạng năng lượng tái tạo và thân thiện với môi trường.
Việt Nam là quốc gia có nhiều tiềm năng phát triển nguồn năng lượng tái tạo, như điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối. Theo kế hoạch, Việt Nam kỳ vọng đến năm 2020 nguồn năng lượng điện gió đạt 800 MW và 6.000 MW vào năm 2030. Nhưng đó chỉ là kế hoạch, còn thực tế làm được cho đến nay vẫn chỉ là con số rất khiêm tốn – 197 MW.
Theo ông Mã Khai Hiền, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển và tiết kiệm năng lượng (Enerteam), hiện chi phí năng lượng chiếm khoảng 5-10% tổng chi phí vận hành đối với các công trình tòa nhà, trung tâm thương mại, các cơ sở dệt may, chế biến thực phẩm. Đối với một số cơ sở sản xuất công nghiệp sử dụng nhiều điện hơn, chi phí điện có thể chiếm xấp xỉ 20% tổng chi phí sản xuất. |
Trở ngại đối với phát triển năng lượng tái tạo là giá cả, trong đó giá mà các nhà sản xuất điện gió có thể bán được là 7,8 xu Mỹ/kWh và điện mặt trời là 9,3 xu Mỹ/kWh. Đây là mức giá không đủ hấp dẫn với nhà đầu tư, cho dù chi phí đầu tư cho năng lượng tái tạo hiện đã rẻ hơn 40% so với trước đây. Muốn phát triển năng lượng tái tạo, cần tăng giá bán điện. Ngân hàng Thế giới cũng nhiều lần khuyến nghị Việt Nam phải tăng giá bán điện. Nhưng tăng giá điện thì người dân và doanh nghiệp không ủng hộ, nên phát triển năng lượng tái tạo lại rơi vào ngõ cụt.
Phát triển nguồn điện chạy bằng khí đốt là hướng đi có thể đáp ứng được cả yêu cầu về môi trường và giá điện. Tuy nhiên, nguồn khí đốt Việt Nam lại không nhiều. Các chuyên gia đã tính ra tổng nguồn khí trong nước chỉ đáp ứng cho nhu cầu phát điện với tổng công suất 12.000 MW, tương đương sản lượng 63 tỉ kWh. Trong khi đó, nhu cầu điện theo tính toán của Quy hoạch 7 đến năm 2020 là 265 tỉ kWh và năm 2030 là 572 tỉ kWh.
Gần đây, một nhà đầu tư nước ngoài đã đề xuất xây dựng ở Bạc Liêu nhà máy nhiệt điện chạy bằng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) nhập khẩu, với công suất 3.200 MW. Đây cũng có thể là hướng ra cho bài toán nhiệt điện than. Tuy nhiên, vấn đề nguồn LNG nhập khẩu ổn định trong thời gian dài, nếu tính đến chuyện thay nhiệt điện than bằng nhiệt điện chạy bằng LNG, vẫn là ẩn số khó tính toán.
Lối ra ở hiệu quả năng lượng
Có một nghịch lý, đó là trong khi việc đáp ứng nhu cầu điện cho nền kinh tế rất khó khăn, thì Việt Nam lại là quốc gia sử dụng năng lượng rất kém hiệu quả. Ngân hàng Thế giới từng đưa ra con số thống kê cho thấy để làm ra 1 đô la Mỹ GDP Việt Nam phải tiêu tốn lượng điện nhiều gấp đôi Thái Lan, gấp 3 lần Philippines và gấp 5 lần so với Singapore và Úc.
Nhà nước đã đưa ra không ít biện pháp để thúc đẩy nâng cao hiệu quả năng lượng, nhưng chế độ kiểm toán năng lượng bắt buộc đối với những doanh nghiệp tiêu thụ nhiều điện, dán nhãn năng lượng… Tuy nhiên, hiệu quả thu được chưa đáng kể. Nhu cầu điện vẫn tăng nhanh hơn tốc độ tăng GDP 1,5 lần.
Vấn đề đặt ra là dù việc sử dụng năng lượng hiệu quả đã được quy định thành luật từ năm 2010, nhưng thực hiện nó chủ yếu vẫn tùy thuộc vào ý thức của từng cá nhân, doanh nghiệp. Doanh nghiệp vẫn có thể tự do hy sinh hiệu quả năng lượng để chọn những thiết bị, công nghệ rẻ tiền và xu hướng này là phổ biến. Bằng chứng là Ngân hàng Thế giới đã tính được tiềm năng tiết kiệm năng lượng của ngành công nghiệp Việt Nam lên đến 25-40%.
Hiện nay, nhu cầu điện của Việt Nam vẫn tăng bình quân 10-10,5%/năm. Mục tiêu đặt ra trong Quy hoạch điện 7 là kéo tốc độ này xuống 8,5% trong giai đoạn 2021-2025 và giai đoạn 2026-2030 tiếp tục giảm còn 7,5%. Có thể nói, đây là mục tiêu rất khó nếu Chính phủ không đưa ra được giải pháp nào để “ép” doanh nghiệp và người dân phải quan tâm đến tiết kiệm năng lượng, thay vì chỉ động viên, khuyến khích như lâu nay.
Một trong những giải pháp được Ngân hàng Thế giới và một số chuyên gia trong nước kiến nghị từ nhiều năm nay là tăng giá điện. Giải pháp này vừa thúc đẩy nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, vừa mở đường cho sự phát triển của các dạng năng lượng tái tạo. Nhưng đây lại là giải pháp nhạy cảm, khó thực hiện triệt để trong điều kiện hiện tại của kinh tế Việt Nam.
Nguồn: thesaigontimes.vn