Chợ đông nhưng phải biết chọn người

0
357

Chợ đông nhưng phải biết chọn người

Lan Nhi

(TBKTSG) – Việt Nam có quan hệ thương mại với tất cả 55 nước ở châu Phi. Tuy nhiên, con đường vào thị trường vô cùng rộng lớn này cũng có nhiều rủi ro nếu doanh nghiệp quá say sưa với việc khai phá.

Dễ xuất đi, khó thu tiền

Vụ việc mới nhất xảy ra cuối tháng 7 vừa qua liên quan đến công ty có tên STE TOP ARABIC SARL A.U có trụ sở ghi là tại Morocco và văn phòng giao dịch tại Tây Ban Nha dưới tên MACRO TEX TRADING SL. Công ty này thường trực tiếp liên hệ hoặc qua trung gian để tìm kiếm doanh nghiệp xuất khẩu tại Việt Nam và nhiều nước, để nhập vào Morocco các mặt hàng nông sản như hoa quả đóng hộp, hạt điều, cà phê, hạt tiêu, gia vị… Sau khi ký hợp đồng với nhà xuất khẩu, họ sử dụng phương thức thanh toán đổi chứng từ và bên bán đã gửi hàng thì nhận ngay hậu quả. Công ty Morocco không lấy hàng, bỏ hàng lưu kho để ép giá, gây thiệt hại, nhằm đẩy doanh nghiệp đối tác vào tình trạng bỏ không được, tiến không xong.

Nhiều nhà xuất khẩu rơi vào tình trạng tồi tệ trên nên kêu cứu tới Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Morocco (kiêm nhiệm các thị trường Guine a, Bénin, Bờ biển Ngà, Burkinafaso). Kết quả kiểm tra của thương vụ cho thấy đây là doanh nghiệp lừa đảo vì công ty này có văn phòng đặt tại thành phố miền núi rất nhỏ ở phía Bắc Morocco nhưng thường xuyên đóng cửa. Số điện thoại gửi cho đối tác xuất khẩu hầu như không liên lạc được và cũng không phát sinh cước.

Các doanh nghiệp nhập khẩu lừa đảo đến từ châu Phi nói riêng hay các thị trường khác trên thế giới nói chung muốn lừa đảo các nhà xuất khẩu theo cách nào thì cũng phải tìm cách “gài” các điều khoản hợp đồng và điều khoản thanh toán chứa đựng các yếu tố rủi ro mà nếu doanh nghiệp xuất khẩu không rà soát thì phần rủi và mất mát chắc chắn xảy ra.

Tại thị trường Nigieria, cũng mới đây, thương vụ cảnh báo tình trạng lừa đảo qua hình thức “dụ” nhà xuất khẩu chuyển tiền trước để có thể xuất khẩu đi. Tiền này phía Nigieria đề nghị dưới dạng chi phí thủ tục xin mã số giấy phép xuất – nhập khẩu, phí môi giới, phí luật sư… Muốn kiểm tra các doanh nghiệp nhập khẩu tại Nigieria có lừa đảo hay không, doanh nghiệp có thể tự rà soát bằng cách kiểm tra mã số thuế qua cách truy cập vào trang web của cơ quan quản lý Nigieria và làm theo hướng dẫn xác minh. Nếu không tìm thấy mã số thuế chắc chắn là doanh nghiệp “ma”.

Châu Phi với 55 quốc gia là thị trường hấp dẫn nhưng cách thức lừa đảo của các doanh nghiệp tại khu vực này đều “ưu tiên” chiếm đoạt tiền nhiều hơn “cài cắm” điều khoản vào hợp đồng. Kinh nghiệm này là tổng hợp từ các vụ lừa đảo tại thị trường châu Phi mà nhiều thương vụ và chính doanh nghiệp bị lừa rút ra. Do vậy, cách đơn giản đầu tiên mà các đối tác châu Phi (nếu lừa) là tìm cách yêu cầu doanh nghiệp gửi tiền. Thứ đến là đưa ra các hình thức thanh toán rất bất lợi cho nhà xuất khẩu (nhằm chiếm đoạt hoặc ép giá hàng hóa). Các hình thức này là trả tiền bằng điện (TT) hoặc giao tiền sẽ giao chứng từ (D/P) trả chậm, giao hàng tại cảng đến và không mở thư tín dụng L/C. Hình thức thanh toán D/A (nhờ thu chấp nhận chứng từ) đối với khách hàng ở châu Phi là tuyệt đối không nên áp dụng vì khả năng bị mất hàng rất cao.

Thương vụ Việt Nam tại Nigieria khuyến cáo rằng, doanh nghiệp xuất khẩu nên hướng đối tác làm ăn chân chính đến hình thức thư tín dụng không hủy ngang tại các ngân hàng uy tín, thanh toán ngay, hạn chế trả chậm. Hoặc doanh nghiệp phải yêu cầu đối tác kèm theo điều kiện đặt cọc trước ít nhất 30% giá trị đơn hàng để đảm bảo an toàn.

Cuối năm 2017, tại một cuộc hội thảo “Phổ biến thông tin thị trường Trung Đông-châu Phi” do Bộ Công Thương tổ chức, đại diện một công ty sản xuất bánh kẹo hàng đầu Việt Nam cho biết, đã có đối tác Nam Phi đặt mua tới 52 container hàng của công ty mỗi năm mà không cần… xem hàng mẫu. Với các điều kiện dễ dàng nhập khẩu như vậy, doanh nghiệp lại càng thận trọng hơn.

Vẫn cần một lối mở

Dẫu biết thị trường châu Phi là thị trường rủi ro nhiều nhất so với các khu vực khác trên thế giới nhưng các doanh nghiệp Việt Nam vẫn không thể lắc đầu vì nói gì thì nói đây là thị trường rất nhiều tiềm năng. Năm 2016, toàn châu Phi nhập 460 tỉ đô la Mỹ mà Việt Nam mới xuất sang được 2,8 tỉ đô la (khoảng 0,6% tổng nhu cầu nhập khẩu của thị trường) là quá ít. Hơn nữa, không phải cứ nói đến châu Phi đồng nghĩa với tất cả các nhà nhập khẩu đều lừa đảo nên vấn đề của doanh nghiệp là phải thẩm tra thật kỹ, thận trọng, không quá ham điều kiện hấp dẫn để nhận lại toàn rủi ro. Bởi thị trường châu Phi dễ tính, lại muốn nhập khẩu nhiều mặt hàng hiện Việt Nam đang dư thừa như nông sản, hạt tiêu, hạt điều, gạo, khoáng sản, cao su, nhựa…với yêu cầu chất lượng không quá khắt khe nên cơ hội thực tế vẫn còn.

Vấn đề là với một thị trường càng đông, càng dễ tính nếu độ thận trọng của các doanh nghiệp cũng như tính chuyên nghiệp càng cao thì cơ hội mở ra mới thực sự chắc chắn.

Nguồn: thesaigontimes.vn

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.